Tháng 4 là ‘’Tháng Nhận thức về Parkinson’’. Để hưởng ứng tháng này, Trạm Y tế Đamb’ri viết bài để chia sẻ về các triệu chứng và cách điều trị, triển vọng của những người có tình trạng bệnh và hơn thế nữa.
Bệnh Parkinson là gì?
Bệnh Parkinson (hay liệt rung) là bệnh thoái hóa thần kinh mạn tính tiến triển nặng dần theo thời gian. Bệnh nhân Parkinson sẽ bị thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh dopa-min từ đó dẫn đến các triệu chứng run, co cứng cơ, chậm vận động và suy kiệt trong giai đoạn cuối.

Bình thường, dopa-min đảm nhiệm vai trò dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác. Nhờ sự có mặt của dopa-min, các cơ bắp, đặc biệt là chân tay và mặt, có thể phối hợp cử động nhịp nhàng và giúp cơ thể duy trì khả năng giữ thăng bằng. Khi thiếu dopa-min, cơ bắp không vận động được theo chỉ đạo của não, gây ra các triệu chứng đặc trưng của căn bệnh Parkinson là run tay chân, tăng trương lực cơ, co cứng, cử động chậm chạp.
Bệnh Parkinson thường bắt đầu ở người trên 60 tuổi. Tuy nhiên có khoảng 1/10 số bệnh nhân bị khởi bệnh trước 50 tuổi. Tình trạng này gọi là bệnh parkinson ở người trẻ hay bệnh parkinson khởi phát sớm.
Dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh, các bác sĩ thường chia bệnh parkinson thành 5 giai đoạn bao gồm bệnh parkinson giai đoạn 1, 2, 3, 4 và bệnh parkinson giai đoạn cuối. Cách điều trị ở các giai đoạn của bệnh Parkinson sẽ khác nhau nhưng đều hướng về mục tiêu là tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Nguyên nhân bệnh Parkinson
Khi mắc bệnh Parkinson, hầu hết người bệnh đều băn khoăn “Tại sao bị bệnh Parkinson?”. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây bệnh Parkinson là do sự thoái hoá tế bào thần kinh. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tìm ra được tại sao các tế bào thần kinh lại bị thoái hóa một cách bất thường như vậy.
Một số giả thuyết được đưa ra bao gồm: Lớn tuổi, yếu tố môi trường, tiếp xúc hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, thuốc tẩy rửa, sử dụng chất kích thích quá nhiều, tác dụng phụ của thuốc, lối sống không lành mạnh, mắc phải các bệnh lý ảnh hưởng tới não bộ như viêm não, động kinh, mất ngủ, thậm chí do virus...
Ngoài ra, theo những nghiên cứu mới nhất gần đây, sự chuyển hóa năng lượng quá mức của ty thể thuộc vùng chất đen trên não hay những bệnh lý tại đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tá tràng cũng đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh Parkinson.
Bệnh Parkinson biểu hiện như thế nào?
Đa phần người bệnh parkinson sẽ bị run. Nhưng không phải cứ run là do bệnh Parkinson gây ra. Ngoài run, người bệnh sẽ gặp nhiều biểu hiện khác. Chưa kể đến mỗi người cũng sẽ có các triệu chứng bệnh Parkinson với mức độ khác nhau.
Dưới đây là những dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh Parkinson được các chuyên gia thần kinh sử dụng trong chẩn đoán.
Triệu chứng về vận động
Những triệu chứng rối loạn vận động cơ bản của bệnh Parkinson là: Run, cứng đờ, cử động chậm chạp và rối loạn thăng bằng.
1. Run tay chân, đầu cổ và các bộ phận khác:Run trong bệnh Parkinson là triệu chứng rất hay gặp, thường bắt đầu ở một bên tay (xuất hiện ở ngón cái và ngón trỏ, sau đó run cả bàn tay, cánh tay), sau đó lan xuống chân cùng bên rồi chuyển qua bên đối diện. Đến giai đoạn cuối người bệnh có thể bị run bất cứ khi nào. Đặc điểm này trái ngược với run vô căn hoặc run do bệnh tiểu não. Mặc dù run ở 1 bên tay, run khi nghỉ là dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh Parkinson giai đoạn đầu. Thế nhưng vẫn có gần 15% bệnh nhân Parkinson trong suốt quá trình điều trị không bao giờ có biểu hiện run.

run khi nghỉ là dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh Parkinson
2. Co, cứng đờ cơ bắp: Co cứng cơ có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cơ thể. Đôi khi độ cứng có thể rất nghiêm trọng, gây hạn chế chuyển động và đau nhức cơ bắp.
Người bệnh thường thấy khó quay cổ, xoay người, khó trở mình khi nằm trên giường và làm những cử động khéo léo của ngón tay. Nét mặt đờ đẫn, ít biểu lộ cảm xúc như người bình thường. Với bệnh Parkinson giai đoạn cuối, người bệnh có thể gặp phải tình trạng cứng cơ toàn thân, nói nhỏ và khó…
3. Chậm vận động: Người bị Parkinson rất khó bắt đầu các cử động của mình, những công việc đơn giản hằng ngày cũng trở lên chậm chạp và tốn thời gian hơn, ví dụ như cài, mở khuy áo, xỏ giầy dép, cắt gọt trái cây, chữ viết nhỏ dần. Khi đi bộ, các bước có thể trở nên nhỏ dần, thậm chí không đứng vững. Người bệnh Parkinson giai đoạn cuối gần như phải ngồi trên xe lăn và phụ thuộc vào người thân.
4. Rối loạn giữ thăng bằng: Người bệnh khó khăn khi ngồi xuống hoặc đứng dậy khỏi ghế, khi đi dễ bị ngã. Những bệnh nhân Parkinson lâu năm thường có dáng đi hơi còng lưng xuống hoặc đầu hướng về phía trước, đi kiểu giật cục. Điều này ảnh hưởng một phần tới khả năng giữ thăng bằng, vận động tự do của người bệnh.

Mất thăng bằng khiến bệnh nhân Parkinson dễ bị té ngã, đặc biệt là người cao tuổi
Triệu chứng không thuộc về vận động
Những triệu chứng không thuộc về vận động có thể xuất hiện từ rất sớm, trước khi bệnh Parkinson được chẩn đoán từ 5 - 10 năm, bao gồm:
1. Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ về đêm, thường cảm thấy khó ngủ, hay gặp ác mộng.
2. Táo bón: Có thể xuất hiện từ rất sớm, thậm chí ngay từ trước 10 năm chẩn đoán bệnh Parkinson. Đó là do bệnh làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, gây giảm nhu động ruột. Nếu biểu hiện này kéo dài hơn 3 tuần mà không phải do chế độ ăn uống sinh hoạt thì rất có thể là triệu chứng sớm của bệnh Parkinson.
3. Thay đổi về khứu giác: Bệnh Parkinson có thể làm tổn thương khứu giác, khiến người bệnh mất dần khả năng nhận biết mùi, thậm chí không nhận biết được một số mùi đặc trưng như mùi mít, sầu riêng…
4. Rối loạn tình dục: Khi bệnh Parkinson phát triển, một số bệnh nhân cảm thấy giảm ham muốn và khả năng hoạt động tình dục. Một số bệnh nhân sau khi dùng thuốc điều trị bệnh Parkinson thì lại bị tăng hoạt động tình dục quá mức.
Ngoài những triệu chứng kể trên, người bệnh Parkinson có thể gặp thêm một số triệu chứng như loạn cảm đau (rối loạn cảm giác đau đớn), đứng ngồi không yên, nóng bức, tăng tiết, phù, tím tái đầu chi, hạ huyết áp tư thế, có thể gặp sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng…
Cách chẩn đoán bệnh Parkinson
Triệu chứng bệnh Parkinson rất dễ nhầm với hội chứng Parkinson các chứng run khác. Do đó, để chẩn đoán bệnh Parkinson chính xác nhất, bác sĩ sẽ căn cứ thêm vào kết quả chụp não (MRI sọ não), khai thác tiền sử bệnh lý, các thuốc đang dùng…
Bệnh Parkinson có nguy hiểm không?
Mặc dù không trực tiếp nguy hiểm tới tính mạng nhưng bệnh Parkinson có thể dẫn tới nhiều biến chứng ảnh ảnh hưởng trầm trọng tới thể chất, tinh thần của người bệnh. Có thể kể đến các biến chứng bệnh Parkinson như giảm vận động, khó nuốt, suy dinh dưỡng, trầm cảm, táo bón, rối loạn cảm giác…
Bệnh parkinson sống được bao lâu?
Không có một thống kê cụ thể cho thấy người bị bệnh lý Parkinson có thể sống được bao lâu. Trong nhiều trường hợp, người bệnh thường tử vong do các biến chứng của Parkinson gây ra. Chẳng hạn như khó nuốt dẫn tới cơ thể suy kiệt, mất cân bằng dẫn tới té ngã... Tuổi thọ của người bệnh phụ thuộc rất nhiều vào tuổi, tình trạng sức khỏe và giai đoạn bệnh.
Bệnh Parkinson có di truyền không?
Câu trả lời là có. Bệnh Parkinson có thể di truyền từ bố mẹ sang con. Có khoảng 5 - 10% bệnh parkinson có liên quan đến yếu tố di truyền. Đặc biệt, phần lớn trường hợp bị bệnh parkinson ở người trẻ thường có bố mẹ hoặc ông bà đã mắc căn bệnh này.
Điều may mắn là tỷ lệ di truyền bệnh Parkinson ngoài phụ thuộc vào gen còn liên quan đến yếu tố môi trường khác. Chi tiết các yếu tố này là gì, bạn có thể tham khảo bài viết chi tiết “Bệnh Parkinson có di truyền không?”
Bệnh Parkinson có chữa được không?
Y học có nhiều cách chữa bệnh Parkinson. Tuy nhiên, chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hẳn căn bệnh này. Mục tiêu điều trị đều hướng tới giảm triệu chứng, tăng chất lượng cuộc sống, làm chậm tiến triển bệnh và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Các chuyên gia thần kinh nhấn mạnh: Thay vì lo lắng bệnh Parkinson chữa khỏi không? nguy hiểm thế nào?... người bệnh cần kiên trì tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, kết hợp với các giải pháp hỗ trợ giảm run. Có như vậy, hiệu quả điều trị mới cao như mong muốn.
Điều trị bệnh Parkinson như thế nào?
Cách điều trị bệnh Parkinson hiệu quả nhất là phối hợp dùng thuốc đúng chỉ định với các biện pháp khác như vật lý trị liệu, giải pháp hỗ trợ chứa các hoạt chất sinh học từ thiên nhiên, tập luyện thể dục, chế độ ăn thích hợp,…
Một số người không còn đáp ứng với thuốc điều trị có thể được điều trị bằng can thiệp phẫu thuật, ví dụ như phẫu thuật kích thích não sâu.

Lạc quan và kiên trì điều trị là chìa khóa cần có để kiểm soát bệnh Parkinson
Sưu tầm
NGUYỄN ĐĂNG HƯNG