XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG GLUCOSE MÁU LÀ GÌ?

Chủ nhật - 11/06/2023 20:56
Xét nghiệm định lượng glucose là xét nghiệm đường huyết lúc đói, được sử dụng phổ biến trong lâm sàng để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Đây là một xét nghiệm quan trọng trong khám sức khỏe tổng quát để tầm soát và theo dõi mức đường huyết định kỳ.
XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG GLUCOSE MÁU LÀ GÌ?

1. BỆNH TIỂU ĐƯỜNG VÀ XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG GLUCOSE

Cơ thể chuyển hóa carbohydrat trong thức ăn thành glucose trước khi đi vào máu. Lượng đường trong máu được kiểm soát bởi hormone insulin. Insulin được sản xuất bởi tuyến tụy, có vai trò di chuyển glucose trong máu vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng.

Khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc tế bào không phản ứng với insulin sẽ dẫn đến tình trạng lượng đường trong máu cao. Đây là dấu hiệu để nhận biết bệnh tiểu đường (đái tháo đường).

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, năm 2019 Việt Nam có khoảng 3,8 triệu người bị bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng cho cơ thể như bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận, mất thị lực, nhiễm trùng nghiêm trọng, trầm cảm. Tiểu đường trong thai kỳ có thể gây ảnh hưởng xấu đến cả người mẹ và thai nhi.

Tiểu đường là rối loạn chuyển hóa cần được kiểm soát và theo dõi thường xuyên để đảm bảo lượng đường trong máu luôn ở trong mức an toàn.

Xét nghiệm định lượng glucose là xét nghiệm đường huyết lúc đói (FPG) để đo lượng đường trong máu. Xét nghiệm này chủ yếu được thực hiện để chẩn đoán và quản lý bệnh tiểu đường loại 1, tiểu đường loại 2 và tiểu đường thai kỳ.

Đôi khi, xét nghiệm này cũng được sử dụng để kiểm tra tình trạng hạ đường huyết (glucose trong máu quá thấp).


Xét nghiệm glucose chẩn đoán bệnh tiểu đường

2. CÁCH THỰC HIỆN XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG GLUCOSE

Để đo đường huyết trong máu, nhân viên y tế sẽ lấy một mẫu máu từ tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Để kết quả xét nghiệm đường huyết chính xác, bệnh nhân không ăn hay uống bất cứ thứ gì, ngoại trừ nước lọc trong vòng ít nhất 8 tiếng trước khi lấy máu. Bệnh nhân nên đi khám vào buổi sáng sau khi đã nhịn ăn một đêm.

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường, buổi sáng khi đi xét nghiệm không sử dụng thuốc điều trị tiểu đường cho tới khi lấy lấy máu xong.

3. AI CẦN XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG GLUCOSE?

 
Người thừa cân béo phì có thể bị tiểu đường

Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa nói chung và bệnh tiểu đường nói riêng đang ngày càng gia tăng, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Bệnh tiểu đường có thể tồn tại trong nhiều năm mà không có triệu chứng nào hoặc triệu chứng không rõ ràng. Vì vậy mà xét nghiệm này được đưa vào chương trình khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm để kịp thời phát hiện chỉ số đường huyết bất thường. Nhất là ở những đối tượng nguy cơ của bệnh tiểu đường:

- Trên 45 tuổi.

- Thừa cân béo phì.

- Rối loạn lipid máu (triglyceride và/hoặc cholesterol LDL cao).

- Lối sống ít vận động.

- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2.

- Tăng huyết áp.

- Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ.

- Tiền tiểu đường (có lượng đường trong máu cao nhưng chưa cao đến mức có thể chẩn đoán là tiểu đường).

- Có tiền sử kháng insulin.

- Tiền sử ngưng thở khi ngủ.

Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm này nếu nghi ngờ một người bị bệnh tiểu đường. Một số biểu hiện thường gặp của bệnh tiểu đường là:

- Thường xuyên thấy khát nước và cơn khát tăng dần;

- Khô miệng;

- Đi tiểu thường xuyên;

- Giảm cân không rõ nguyên nhân;

- Đói nhiều hơn;

- Ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân;

- Mờ mắt;

- Các vết thương lâu lành.

Phụ nữ đang mang thai cũng nên làm xét nghiệm này để tầm soát, đặc biệt là phụ nữ mang thai có các yếu tố nguy cơ tiểu đường là: hội chứng tiền tiểu đường, hội chứng buồng trứng đa nang, thừa cân béo phì hoặc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ.

4. Ý NGHĨA KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG GLUCOSE

Kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói ở người không mắc bệnh tiểu đường nằm trong khoảng 3,9 – 6,4mmol/L.

Glucose trong máu cao hơn cho thấy có nguy cơ bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm một vài xét nghiệm khác, mà thường là xét nghiệm kiểm tra dung nạp glucose (kiểm tra lượng đường trong máu 2 giờ sau khi uống bổ sung glucose) để xác định.

Mức đường huyết cao không phải lúc nào cũng do bệnh tiểu đường gây ra. Nhưng tình trạng tăng đường huyết kéo dài dù do nguyên nhân nào cũng có thể gây tổn thương cho các cơ quan và dây thần kinh. Một số nguyên nhân khác có thể gây tăng nồng độ glucose máu là:

- Nhiễm độc giáp.

- Viêm tụy cấp hay mạn.

- U tuyến tụy.

- Thừa adrenalin (do căng thẳng, sốc, bỏng…).

- Thừa corticoid (do dùng thuốc corticoid, bệnh cushing…). 

- Bệnh to đầu chi.

- Nhiễm trùng.

- Chấn thương.

- Phẫu thuật.

- Tình trạng stress.

- Có thai.

- Tiêm truyền glucose.

- Một số loại thuốc.

Ngược lại, glucose trong máu thấp cảnh báo tình trạng hạ đường huyết. Hạ đường huyết có thể dẫn đến co giật hoặc hôn mê nếu không được điều trị. Mức đường huyết thấp có thể do:

- Dùng quá liều insulin hay thuốc hạ đường huyết.

- Đói.

- Gắng sức thể lực quá mức.

- Suy dinh dưỡng.

- Tiết insulin quá mức.

- Suy tuyến yên.

- Suy tuyến thượng thận.

- Bệnh gan.

- Bệnh thận.

- Sốt rét.

Một số yếu tố nguy cơ của tiểu đường như di truyền hay gen rất khó để ngăn ngừa. Nhưng các yếu tố chế độ ăn, sinh hoạt và rèn luyện có thể thay đổi được. Xét nghiệm đường huyết định kỳ giúp bạn có kế hoạch thay đổi lối sống lành mạnh hơn, nhằm hạn chế nguy cơ tiểu đường từ tiền tiểu đường, cũng như hạn chế biến chứng có thể xảy ra do bệnh tiểu đường.

Nguồn tin: Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây