CHĂM SÓC DỰ PHÒNG CHO CÁ NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TẠI PHÒNG KHÁM BÁC SĨ GIA ĐÌNH
Bsck1 Phan Tuấn
2023-12-24T20:28:20-05:00
2023-12-24T20:28:20-05:00
http://trungtamytebaoloc.vn/pkdk-khoa-xn-va-chuan-doan-hinh-anh/cham-soc-du-phong-cho-ca-nhan-va-gia-dinh-tai-phong-kham-bac-si-gia-dinh-664.html
/themes/default/images/no_image.gif
Trung tâm Y tế Thành phố Bảo Lộc
http://trungtamytebaoloc.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 22/12/2023 22:58
CHĂM SÓC DỰ PHÒNG
Tổng quan
Lĩnh vực y học dự phòng ở Việt Nam đã được chú ý phát triển ngay từ những ngày đầu lập nước với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trong các chương trình chăm sóc dự phòng vào thời điểm đó, chúng ta có thể liệt kê:
Chương trình dự phòng thương hàn, bại liệt, tả.
Chương trình phòng chống các bệnh xã hội bao gồm lao.
Chương trình cải thiện vệ sinh và phòng chống bệnh lây nhiễm.
Mạng lưới y học dự phòng được hình thành ban đầu thông qua mạng lưới các trạm y tế rộng khắp trong toàn quốc và không ngừng mở rộng ngay cả trong giai đoạn chiến tranh. Đến năm 1954, Việt Nam đã có mạng lưới 2000 trạm y tế trên tổng số 6000 xã tại thời điểm đó. Điều này cho thấy tầm quan trọng của phòng bệnh và sự quan tâm của nhà nước đối với công tác này.
Hiện nay, đối với lĩnh vực chăm sóc dự phòng, ngành y tế đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Sự thay đổi của mô hình bệnh tật, mô hình tử vong: trong đó nước ta đang chuyển từ mô hình của bệnh lây nhiễm sang mô hình của những bệnh không lây và tai nạn thương tính. Tuy nhiên, vấn đề bệnh lây nhiễm vẫn chưa được quản lý tốt.
Tác động của sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường lên sức khỏe người dân, cũng như các yếu tố vecteur gây bệnh.
Sự thay đổi trong kinh tế-văn hóa-xã hội, các xu hướng toàn cầu hóa, đô thị hóa tác động lên thói quen, hành vi, lối sống đưa đến ảnh hưởng lên sức khẻo của người dân.
Sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống y tế trong thời gian gần đây dưới sự tác động của nhiều yếu tố khách quan – chủ quan cũng tác động lên sức khỏe người dân.
Trong bài này, chúng ta không đề cập đến vấn đề y tế dự phòng theo nghĩa rộng mà chỉ giới hạn nội dung trong phần công việc cụ thể của người bác sĩ gia đình.
Dự phòng là gì?
Theo lẽ thông thường, khi nhắc đến dự phòng – tầm soát bệnh, chúng ta thường liên tưởng đến khía cạnh ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh và phát hiện sớm bệnh. Tuy nhiên, với định nghĩa mở rộng của tổ chức y tế thế giới về sức khỏe trong đó “Sức khỏe là trạng thái thoải mái về thể chất – tinh thần – xã hội chứ không phải là không có bệnh tật”, vấn đề “dự phòng” cũng cần được hiểu lại theo một phạm trù rộng hơn.
Theo định nghĩa của hội đồng Y học dự phòng Mỹ (ABPM), y học dự phòng là một chuyên ngành y khoa thực hành với đối tượng là cá nhân và/hoặc nhóm cộng đồng nhất định nhằm bảo vệ, duy trì, tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, dự phòng bệnh tật, hạn chế tàn tật và tử vong.
Tại sao phải có chǎm sóc dự phòng
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), chăm sóc ban đầu được định nghĩa như sau: chăm sóc sức khỏe ban đầu là chăm sóc sức khỏe thiết yếu, dựa trên thực hành, đưa dịch vụ đến từng cá nhân và gia đình trong cộng đồng, được mọi người chấp nhận thông qua sự tham gia đầy đủ của các thành phần khác nhau trong cộng đồng, với giá thành mà họ có thể chấp nhận được nhằm đạt được mức sức khỏe cao nhất có thể.
Như vậy, chăm sóc sức khỏe ban đầu nhấn mạnh đến vấn đề sức khỏe thiết yếu, tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe cho mỗi cá nhân trong cộng đồng. Trong đó, sức khỏe người dân cần được quan tâm để có thể đạt được mức tốt nhất.
Tuy nhiên, người dân chỉ quan tâm chăm sóc sức khỏe một khi sức khỏe bị đe dọa. Nói cách khác, chỉ khi nào đã mắc bệnh thì người dân mới đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan tâm phòng ngừa bệnh tật, mức độ ảnh hưởng của bệnh sẽ được giảm thiểu, chi phí chăm sóc sẽ ít tốn kém hơn. Ngay trong đội ngũ các cán bộ y tế, quan điểm về dự phòng vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Vai trò của điều trị được đưa lên qua cao mặc dù hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi.
Lịch sử nhân loại ghi nhận vai trò đóng góp của vaccin trong phòng chống các bệnh dịch lây nhiễm. Các chương trình tiêm chủng mở rộng đã phát huy nhiều kết quả: loại bỏ bệnh thủy đậu – bệnh sốt bại liệt, khống chế các bệnh sốt xuất huyết, bạch hầu, ho gà, uốn ván…giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trẻ em do các bệnh như ho gà và bạch hầu đã giảm nhiều nhờ tiêm chủng nhờ nỗ lực toàn cầu về tiêm chủng.
Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới, người dân ngày nay sống tốt hơn, khỏe hơn và thọ hơn so với cách đây 30 năm (may mắn là như vậy!!). Nếu như tỷ lệ tỷ vong trẻ em hiện nay giống như chỉ số của năm 1978, chỉ riêng năm 2006, có thể đã có 16,2 triệu trẻ tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong khi số tử vong thực tế là 9,5 triệu trẻ. Vậy, đã có 6,7 triệu trẻ được cứu sống trong năm 2006, tương đương với 18329 trẻ được cứu sống mỗi ngày. Kết quả này có được là nhờ những cải thiện về các thuốc thiết yếu, cung cấp nước sạch, vệ sinh và chăm sóc tiền sản[2]. Điều này có thể thấy được sự phòng ngừa trước khi bệnh xảy ra giúp mang lại nhiều kết quả hơn là giải quyết hậu quả một khi dịch bệnh đã diễn ra.
Cũng như các nước phát triển, mô hình dịch tể học của Việt Nam đang tiến dần từ mô hình bệnh cấp tính sang mô hình của các bệnh mãn tính, sự thay đổi cấu trúc dân số với sự già hóa làm cấu trúc bệnh tật có nhiều thay đổi. Tương tự đối với dự phòng, từ xu hướng dự phòng các bệnh gây nhiễm, xu hướng mới hiện nay đang tiến dần đến việc dự phòng các yếu tố nguy cơ cao huyết áp, loãng xương, rối loạn chuyển hóa của những bệnh mãn tính. Các bệnh mãn tính này sẽ là gánh nặng cho hệ thống y tế trong những năm sắp tới. Vai trò của dự phòng càng nên được phát huy ngay trong thời điểm hiện nay, góp phần cải thiện tình hình của tương lai.
Các mức độ của chăm sóc dự phòng
Theo Leavell và Clark (1965), dự phòng bao gồm 4 mức độ khác nhau từ cấp 0 đến cấp III (ngoài ra còn có mức độ IV nhưng hiện nay chưa được công nhận chính thức)
Dự phòng cấp 0:
Là mức dự phòng nhằm ngăn ngừa không cho có yếu tố nguy cơ xảy ra. Trong nhóm này có thể có các hoạt động như:
Tuyên truyền tác hại của thuốc lá, cấm hút thuốc lá trong thanh thiếu niên.
Tuyên truyền thông tin về HIV/AIDS hạn chế phơi nhiễm
Ăn sạch, uống sạch, ngủ mùng….
Dự phòng cấp I:
Là mức dự phòng nhằm ngăn ngừa không cho mắc bệnh. Trong nhóm này bao gồm các hoạt động như:
Nâng cao sức khỏe, tạo kháng thể miễn dịch chủ động như tiêm phòng vaccin các loại vi trùng, virus trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Hạn chế - khống chế các yếu tố nguy cơ: (không hút thuốc là, tránh tiếp xúc dị nguyên gây hen..).
Hạn chế phơi nhiễm: tránh tiếp xúc với người đang bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, không cho trẻ đến trường nếu trẻ bị nhiễm bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu khi phun thuốc, …
Kiểm soát các vecteur truyền bệnh: diệt muỗi, diệt chấy rận, kiểm soát thức ăn – loại trừ thịt bị nhiễm giun sán…
Dự phòng cấp II:
Đây là kiểm soát bệnh ngay từ giai đoạn sớm của bệnh để bệnh không tiến triển thêm. Trong mục này bao gồm các hành động:
Tầm soát sớm bệnh ngay từ giai đoạn tiền lâm sàng: là giai đoạn mà các dấu chứng chưa thể hiện trên lâm sàng. Bệnh có thể được phép hiện bằng các xét nghiệm cận lâm sàng: ví dụ như gan nhiễm mỡ, hội chứng rối loạn chuyển hóa, suy thận giai đoạn đầu
Điều trị bệnh khi phát hiện được: là giai đoạn điều trị, mục đích là nhằm kiểm soát tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa bệnh không diễn tiến nặng thêm: ví dụ như bệnh viêm phổi nhiễm trùng, nhiễm trùng tiểu…
Ngăn ngừa các biến chứng của bệnh: bệnh đã được chẩn đoán và điều trị, tuy nhiên, cần ngăn ngừa các biến chứng của bệnh: ví dụ như bệnh nhân bị ung thư đại tràng – ung thư mélanine tế bào da, cần điều trị tích cực – triệt để phòng ngừa khả năng di căn đến các tạng khác; hoặc bệnh nhân bị đái tháo đường, cần điều trị phòng ngừa các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ của bệnh đái tháo đường (tại thời điểm hiện tại chưa có nhưng có nguy cơ trong tương lai)
Dự phòng cấp III
Đây là dự phòng – hạn chế các ảnh hưởng do di chứng của bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh đã được điều trị khởi nhưng những di chứng của bệnh vẫn còn đó. Người thầy thuốc cần giúp người bệnh nhanh chóng tái hòa nhập cuộc sống hằng ngày, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do di chứng của bệnh làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong mục này có những hành động:
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng đã giảm – mất: người bệnh có một hoặc nhiều chức năng bị giảm hoặc mất do di chứng bệnh. Biện pháp can thiệp điều trị là nhằm phục hồi lại các chức năng này. Ví dụ như: bệnh nhân bị tai biến mạch máu não bị yếu – liệt nữa người, bệnh nhân cần giúp đỡ để tập luyện phần cơ thể bị liệt; bệnh nhân bị thiểu năng trí tuệ cần sự điều trị nâng đỡ về mặt xã hội..
Chăm sóc cuối đời: đối với một số bệnh nhân bị bệnh lý ác tính, tình trạng bệnh vượt quá chỉ định điều trị y khoa. Mục tiêu đặt ra không phải là điều trị bệnh mà là cải thiệt triệu chứng nâng cao chất lượng cuộc sống hiện tại cho quãng đời còn lại.
Dự phòng cấp IV (hiện chưa được thống nhất)
Đây là dự phòng các tai biến – biến chứng do các can thiệp thăm khám – chăm sóc – điều trị y khoa làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người bệnh. Trong mục này bao hàm nhiều khía cạnh khác nhau, tuy nhiên, hiện nay dự phòng cấp IV vẫn chưa được công nhận một cách chính thức trong các sách giáo khoa.
Liên quan đến dự phòng cấp IV, có một số hoạt động sau:
Ngăn ngừa lạm dụng thuốc – xét nghiệm – phương pháp điều trị xâm lấn không phù hợp – không tương xứng với bệnh.
Ngăn ngừa các kỹ thuật điều trị tốn kém nhưng kết quả mang lại không tương xứng (khía cạnh kinh tế y tế)
Chuẩn hóa công tác chuyên môn, qui trình làm việc, hạn chế các sai sót chuyên môn.
Áp dụng y học chứng cớ vào lâm sàng cải thiện chất lượng chăm sóc…
Như các mô tả ở trên, chúng ta có thể thấy rằng vấn đề dự phòng bao trùm tất cả các khía cạnh của y học hiện đại, bám sát công việc hằng ngày của nhân viên y tế, bao gồm chăm sóc nội trú – ngoại trú, liên đới tất cả các chuyên khoa, tạo mạng lưới với cả các tổ chức xã hội nhằm chăm sóc – phục vụ người bệnh được tốt nhất.
Tác giả bài viết: Bsck1 Phan Tuấn